Tuyệt chiêu giúp tạo sức mạnh cho thư xin việc
Đừng chỉ sao chép ý chính trên CV mà nên mở rộng và giải thích thêm về kinh nghiệm đã có.
Viết gì trong thư tìm việc?
Sẽ chưa lúc nào bạn thấy cần đến kỹ năng viết như lúc này. Bạn cần phải tìm được cho mình cách thức trình bày rõ ràng, thể hiện được nội dung mình mong muốn. Dù không phải là người xuất sắc trong việc diễn đạt viết nhưng bạn cũng cần phải hết sức cố gắng và tập trung, ít nhất là tránh lỗi chính tả, dùng câu văn hoặc từ vô nghĩa.
Ấn định rõ mục tiêu khi viết thư tìm việc là cho nhà tuyển dụng này, tại công ty này, với vị trí công việc này. Nhiều hơn nữa là nhắm trực tiếp vào đối tượng đọc thư nếu bạn biết chính xác người đó là ai. Một lá thư hay chính là theo phong cách viết như bạn nói. Súc tích, ngắn gọn được đặt lên hàng đầu. Hãy đưa vào đó tính cách thật của bạn, duy trì sự chuyên nghiệp vì đây là “bí quyết” đơn giản nhất để thư tìm việc của bạn mang tính duy nhất!
3 mục chính của thư tìm việc
– Giới thiệu. Bạn cần nêu rõ vì sao bạn lại ứng tuyển cho vị trí và cả công việc mà công ty đăng tuyển. Đoạn văn này bạn chỉ cần dùng vài dòng để diễn tả. Chính yếu là cho nhà tuyển dụng thấy được mục tiêu của bạn.
– Nội dung chính. Phần này là không gian để bạn nói về những kinh nghiệm cũng như kỹ năng. Chúng nên phù hợp cho những gì trong bản mô tả công việc. Đề cập chi tiết hơn về kiến thức chuyên môn đủ đáp ứng nền tảng cơ bản cho việc làm. Đưa ra lý do chứng minh bạn là ứng viên sáng giá cho vị trí này và không quên cho thấy sự nhiệt tình và tinh thần yêu thích công việc. Đừng chỉ sao chép ý chính trên CV mà nên mở rộng và giải thích thêm về kinh nghiệm đã có.
Tự hỏi bản thân 3 câu sau đây:
“Vì sao bạn yêu thích công việc này?”
“Những kỹ năng ứng dụng cho công việc thực tế mà bạn muốn nhà tuyển dụng nhận thấy là gì?”
“Bạn là có đủ năng lực hay không?”
Khi chốt ý cho phần nội dung chính thì nên nhấn mạnh thêm lần nữa về sự mong muốn được làm việc cho công ty với vị trí mới. Nói rõ những văn bản bạn đã đính kèm cùng thư (kèm lý do). Cũng cần hỏi xem liệu rằng khi nào là thời gian thích hợp để bạn liên lạc với bộ phận nhân sự.
– Kết thúc. Cuối thư phải đặt lời chào lịch sự, trân trọng đến nhà tuyển dụng (người nhận thư). Ngay bên dưới là thông tin liên hệ cá nhân.
Leave a Reply